Phanh ABS là trang bị an toàn chủ động chống bó cứng phanh giúp giảm tốc độ xe một cách an toàn trong trường hợp khẩn cấp, phổ biến trên hầu hết những chiếc ô tô ngày nay. Vậy phanh ABS là gì và có thật sự quan trọng trong quá trình điều khiển xe hay không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết sau đây.
1. Phanh ABS là gì?
Phanh ABS là viết tắt của Anti-Locking Brake System (Hệ thống chống bó phanh) là một tính năng an toàn chủ động giúp giúp bánh xe không bị bó cứng trong những trường hợp phanh khẩn cấp, chống việc bánh xe bị trượt dài trên mặt đường. Từ đó giúp người lái dễ dàng kiểm soát hướng lái và đảm bảo thân xe luôn ở trong tình trạng ổn định hơn.
Phanh ABS được phát minh bởi hãng Robert Bosch GmbH và là một trong những hệ thống bắt buộc phải có trên xe ở nhiều nước hiện nay. Hiện nay, đây là một trong các tính năng an toàn cơ bản, gần như được trang bị trên tất cả các dòng xe ô tô con.
2. Phanh ABS có tác dụng gì?
Với hệ thống phanh thông thường, nếu phanh gấp khi xe chạy tốc độ cao, bánh xe rất dễ bị tình trạng bó cứng đột ngột do má phanh ghì chặt đĩa phanh. Đây chính là hiện tượng bó phanh ô tô. Hiện tượng này sẽ khiến lốp xe mất độ bám, bị trượt dài, dẫn đến các tình huống nguy hiểm như xe bị văng, xe bị mất lái…
Còn với xe được trang bị thêm hệ thống chống bó cứng phanh ABS, khi phanh gấp, hệ thống này sẽ giúp má phanh liên tục thực hiện thao tác kẹp/nhả đĩa phanh thay vì ôm ghì. Tốc độ quay của bánh xe giảm dần một cách an toàn thay vì dừng đột ngột. Điều này giúp lốp xe tránh được hiện tượng trượt dài, vẫn đảm bảo độ bám đường tốt. Đây chính là tác dụng của hệ thống phanh ABS.
Phanh ABS giúp người điều khiển xe có thể vừa đánh lái để tránh các chướng ngại vật trước mặt, vừa giảm nhanh tốc độ để xe dừng lại mà không sợ mất kiểm soát. Từ đó đảm bảo an toàn cho người sử dụng phương tiện nếu gặp những tình huống bất ngờ khi tham gia giao thông.
Hơn thế nữa, hệ thống phanh ABS còn có khả năng phát hiện tình huống xấu trước khi chúng kịp xảy ra dựa vào tốc độ quay bánh và lực đạp phanh. Lúc này, hệ thống sẽ hoạt động và duy trì độ trượt của bánh với mặt đường sao cho trong giới hạn cho phép để hạn chế tình trạng xe bị trượt bánh.
3. Cấu tạo hệ thống phanh ABS
Hệ thống phanh ABS được cấu tạo từ 4 bộ phận chính bao gồm:
- Cảm biến tốc độ: Có khả năng nhận diện tốc độ của bánh xe để xác định hiện tượng bánh xe bị “bó cứng” và gửi dữ liệu đến hệ thống kiểm soát cũng như bộ điều khiển điện tử trung tâm (ECU).
- Cảm biến giảm tốc: Có nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống ABS theo dõi độ trượt của bánh xe, sau đó tự động thay đổi lượng dầu phanh ô tô hợp lý.
- Bộ chấp hành phanh ABS: Bao gồm van điện tử, tăng áp, motor điện và máy bơm dầu. Đảm nhận chức năng duy trì mức áp suất dầu tốt nhất đến từng xi lanh của phanh bánh xe và chống lại hiện tượng phanh bó cứng theo lệnh từ bộ điều khiển ABS.
- Bộ điều khiển ABS: Trung tâm chính kiểm soát hệ thống phanh, thu nhận và xử lý các dữ liệu về vận tốc của từng bánh xe khi chuyển về từ ECU. Từ đó, ra lệnh cho bộ chấp hành phanh thuỷ lực điều chỉnh cung cấp lượng dầu sao cho thích hợp nhằm tránh hiện tượng xe bị kẹt bánh.
4. Nguyên lý hoạt động của thắng ABS
Nguyên lý hoạt động hệ thống chống bó cứng phanh ABS trên xe ô tô như sau:
Cảm biến tốc độ lắp ở các bánh xe khi nhận thấy tốc độ quay của một trong các bánh xe chậm hơn mức quy định sẽ gửi tín hiệu đến bộ điều khiển ABS. Từ đây, hệ thống sẽ xử lý thông tin, tính toán và ra lệnh cho bộ chấp hành ABS cung cấp mức áp suất dầu phanh phù hợp.
Cụ thể ABS sẽ điều khiển cho mức áp suất dầu sẽ tăng/giảm liên tục để tạo ra quá trình nhấp/nhả liên tục giữa má phanh và đĩa phanh thay vì ghì chặt. Như vậy, việc hãm phanh vẫn diễn ra nhưng lại giúp tránh được hiện tượng bó phanh.
5. Cách sử dụng phanh ABS
Mặc dù không cần phải điều khiển quá nhiều để hệ thống phanh ABS hoạt động. Tuy nhiên, chúng ta cần sử dụng đúng cách để các chức năng của trang bị này có thể phát huy hết công dụng vượt trội của chúng. Cách sử dụng phanh ABS cụ thể như sau:
- Hệ thống phanh ABS được thiết kế có thể cảm biến tốc độ ở bánh xe. Do đó, hệ thống này sẽ tự động kích hoạt khi người lái bắt đầu khởi động xe và đạp phanh.
- Để đảm bảo an toàn, bạn có thể kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống phanh ABS thông qua đèn báo phanh được trang bị trên bảng đồng hồ taplo của xe. Thông thường, đèn báo sẽ được bật khi xe khởi động và tắt sau khi xe nổ máy. Nếu đèn báo này tiếp tục sáng hoặc nhấp nháy liên tục tức là xe của bạn đang gặp tình trạng lỗi phanh ABS. Bạn hãy đưa xe đến trung tâm kiểm tra khi xe gặp tình trạng này nhé.
- Tác dụng chính của phanh ABS là giúp xe kiểm soát tốt được hướng lái khi phanh gấp, hạn chế hiện tượng xe trượt bánh. Do đó, dù xe có phanh ABS thì bạn vẫn nên thực hiện đúng quy định như bình thường. Hãy nhớ rằng, hệ thống phanh ABS chỉ hỗ trợ phanh xe an toàn hơn, đem đến trải nghiệm lái xe yên tâm cho mọi người, không thể đảm bảo hoàn toàn tránh được những tình huống nguy hiểm khẩn cấp.
- Khi hệ thống ABS kích hoạt, hệ thống phanh sẽ ép và nhả liên tục. Vì vậy, khi phanh ABS hoạt động, chúng ta thường có cảm giác xe hơi rung. Đây là một hiện tượng bình thường mà bạn không cần lo lắng.
6. Một số lưu ý khi sử dụng hệ thống phanh ABS trên ô tô
Có thể thấy, hệ thống chống bó cứng phanh ABS khi tích hợp vào ô tô sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dùng. Tuy vậy, không có hệ thống nào là đảm bảo an toàn tuyệt đối. Quan trọng nhất là người lái phải được trang bị những kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp một cách an toàn nhất.
Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng hệ thống phanh ABS trên ô tô bạn có thể tham khảo
- Kiểm soát tốc độ và giữ khoảng cách an toàn.
- Mặc dù phanh ABS có cảm biến rất nhạy và chính xác. Tuy nhiên khi đến các khúc ngoặt, lực quán tính sẽ ít nhiều làm xe có xu hướng bị văng ra ngoài. Vì vậy, cần giữ tốc độ hợp lý khi di chuyển vào các cung đường có những khúc ngoặt và không tăng tốc khi vào cua.